Quê ông ở Kiến Xương- Thái Bình nhưng ông sinh ra ở Lạc Viên- Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại căn nhà gần khu Tân Định- Sài Gòn.
“Tôi vẫn nhớ tới căn nhà những ngày ấy, đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tại trường Trung học Văn Lang cách nhà chừng non một cây số. Tôi đã học hết tú tài ở đó”.
Ông nhớ lại: Cũng trong những năm học tú tài này, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ là để ý thôi chứ không dám ngỏ lời.
Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau.
"Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”.
Sau khi học xong tú tài, khác với nhiều người, Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn trong lời Kinh tiếng Kệ.
Thế nhưng mỗi khi đi ngang con đường một thủa, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông. Và trong một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ Ngày xưa Hoàng thị: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ - Chim non giấu mỏ - Dưới cội hoa vàng…”.
Ông tâm sự: “Đây không phải là bài thơ đầu tay của tôi. Cha tôi tuy làm nghề thuốc nhưng ông có làm thơ, tôi còn nhớ ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội trao tặng.
Khi còn nhỏ tuổi tôi cũng đã làm vài bài thơ và được cha tôi khen. Nhưng tôi làm thơ chủ yếu để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp.
Vì vậy mãi đến năm 1968, tôi mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên. In ít thôi, chủ yếu để mình đọc và tặng một số bạn bè thân. Tôi chẳng muốn nhiều người biết về mình”.
“Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?”- Tôi hỏi.
Phạm Thiên Thư trả lời: “Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi.
Tôi cũng không nghĩ nhạc sỹ lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng.
Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
Vào những năm 70, bài Ngày xưa Hoàng thị đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam Việt Nam. Ca sỹ Thanh Thúy là người đầu tiên thể hiện bài hát này và sau đó nhiều ca sỹ khác cũng chọn bài Ngày xưa Hoàng thị để hát, tạo thành trào lưu.
Thậm chí báo chí Sài Gòn cũng vào cuộc, nêu câu hỏi “Nhân vật chính trong Ngày xưa Hoàng thị là ai?”. Một số người tự nhận mình là nhân vật của bài thơ, số khác thì phân tích bài thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong bài thơ là cô A, cô B nào đó...
“Ngày đó báo chí cũng gặp tôi hỏi chuyện tôi nói rằng đó là cô Hoàng Thị Ngọ nhưng không biết tại sao nhiều người vẫn không tin”. Ông bảo.
Nhạc sỹ Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu, Em lễ chùa này…
Căn nhà của ông giờ là một quán cà phê nhỏ mang tên “Hoa vàng”, có lẽ ông lấy từ bài “Đưa em tìm động hoa vàng” để đặt tên.
Quán nhỏ nhưng bài trí khá đẹp nên khá đông khách. Có lẽ ít ai vào quán lại để ý tới một ông già có dáng như một lão nông hay ngồi lặng lẽ trong góc nhà lại chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Ông cười: “Thì tôi đâu dám nhận mình là nhà thơ”. Biết chúng tôi đang tìm hiểu về bài Ngày xưa Hoàng thị, cô con gái của ông tinh ý mở lại bản nhạc. Giọng ca của Thanh Thúy cất lên: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ…”
Ông buông bút, nhắm mắt. Có lẽ ông đang hồi tưởng về những ngày xa xưa, những ngày trên con đường trải nắng vàng, một chàng trai trẻ lẽo đẽo theo chân cô gái tên Ngọ có mái tóc dài xoã ngang vai… để rồi làm nên những vần thơ lung linh và xót xa đến thế.(Trọng Thịnh theo Tiền Phong)
Nhà Thơ Phạm Thiên Thư ( thêm một số tư liệu)
PHẠM THIÊN THƯ tên thật Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940 xuất thân trong một gia đình Đông y. Quê cha: xã Đình Phùng, Kiên Xương, Thái Bình. Quê mẹ: xã Trung Mẫu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951), Sài Gòn, TPHCM (1954- nay)
Từ 1964-1973: Tu sĩ PG, làm thơ. Năm 1973, đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường Vô Thanh. Năm 1973 -2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp -Thân - Tâm)
Tác phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương); Động Hoa Vàng (Thơ) 1971); Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh, 1972; Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ); Kinh Hiếu; Kinh Hiền (Thi hoá Kinh Hiền Ngu) gồm 12.000 câu lục bát; Ngày xưa người tinh (thơ); Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ) 1975.
Các nhạc bản: Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu, Em lễ chùa này, Huyềnthạoi trên một vùng biển, Loài chim bỏ xứ (Nhạc Phạm Duy), Như cánh chim nay (Nhạc Cung Tiến), Guốc tía, Đôi mắt thuyền độc mộc (Nhạc Võ Tá Hân); Độc Huyền (Nhạc Nguyễn Tuấn), Động Hoa vàng (Nhạc Trần Quang LOng)....
Tác phẩm dự định xuất bản: Hát ru lịch sử (Trường ca lục bát); Bốn chục ngàn câu châm ngôn; Tự điển cười (24.000 bài tứ tuyệt - tiếu liệu pháp); Huyền ngôn tâm bút; Điện cong Phathata dưỡng sinh, Vua núi vua nước (Sơn Tinh Thủy Tinh)
NHÀ THƠ PHẠM THIÊN THƯ
Người thi hoá kinh Phật
Nhà thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như một đạo sĩ xuống núi, ông trở thành người rao giảng về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ..., ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát - Nhã của Phật giáo.
Trong lịch sử văn học, những nhà thơ Phật giáo, những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... đã góp phần không nhỏ làm phong phú, nâng cao giá trị cho văn học VN với những nét chấm phá ở mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc.
Bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 1969 "Đoạn Trường Vô Thanh" của nhà thơ Phạm Thiên Thư với 3254 câu thơ được tác giả viết như là “hậu Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều)” của thi hào Nguyễn Du. Những năm tiếp theo, Nguyễn Du có Văn Chiêu Hồn thì Phạm Thiên Thư có Chiêu Hồn Ca. Phật giáo có Kinh Kim Cương, Kinh Hiền Ngu thì Phạm Thiên Thư cũng có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ...
Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam VN) vào năm 1971. Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Động Hoa Vàng", “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”....
... Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...
... Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...
... Thì thôi! Tóc ấy phù vân
Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương
... Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...
(Động Hoa Vàng)
Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ. Nhân vật chính trong thơ là một ông sư lãng mạn như những chàng trai mới biết yêu:
...Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương...
(Pháp Thân)
Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là những cảm xúc thánh thiện, kín đáo với một chút bẽn lẽn: yêu nhau mà không dám tay trong tay, vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương:
... Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở
Muôn thuở còn vương...
Thiền tâm biểu lộ bằng ngôn ngữ im lặng:
... Đôi mày là Phượng cất cao
đôi môi chín ửng khóe đào rừng mơ
tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
tụng dòng Kinh tuệ trên tờ khói mây
... Dù mai lều cỏ chân trời
khói hương lò cũ khóc người trong thơ
em còn ửng má đào tơ
tóc xưa dù có bây giờ sương bay...
Đôi khi tình yêu nồng nàn đến nỗi “con vạc đậu bờ kinh” cũng ghẹo nhà sư ỡm ờ trần tục:
...Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ...
(Động Hoa Vàng)
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Sau 30.4.1975 ông còn thực hiện cuốn Kinh Hồng ca ngợi chế độ mới. Sau đó là một giai đoạn nhà thơ lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, Phạm thi sĩ không “lên non tìm động hoa vàng” như Nguyễn Đức Sơn mà nhà thơ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Từ 1981 – 1983 ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983 Phạm Thiên Thư nghiên cứu về PHATHATA (Pháp, Thân, Tâm). Tiếp theo đó, ông được bác sĩ – nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện. Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư vẫn lai rai cho đăng báo những bài thơ ngắn. Thỉnh thoảng đôi lần văn thi hữu cũng gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TPHCM. Phạm Thiên Thư thực sự hoà nhập trở lại với văn đàn khi trường ca "Đoạn Trường Vô Thanh" của ông được tái bản một cách trang trọng!HÀ THI
NGỒI QUÁN CÀ PHÊ HOA VÀNG, HỎI CHUYỆN TÁC GIẢ: “NGÀY XƯA, HOÀNG THỊ”
Thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của “Ngày xưa Hoàng thị” không “ngủ yên” như nhiều người vẫn nghĩ. Năm nay 66 tuổi, ông vẫn còn làm thơ và đã vượt qua đỉnh núi cao nhất là “đỉnh thơ” của chính mình khi hoàn tất một trường thiên thơ có độ dài bằng bộ sử thi Ấn Độ.
Trong cuộc trò chuyện ngay tại quán cà phê Hoa Vàng của thi sĩ, ông hớn hở “khoe” bài thơ tình mới nhất của mình và hứng khởi nói về thơ tình, những rung động đầu đời và những tâm sự riêng tư nhất.
- Trong những bài thơ tình đầu tiên và có thể nói là hay nhất của ông, ông luôn gọi nhân vật trữ tình là “người em nhỏ”. Nàng thơ đó là ai vậy, là một người hay nhiều người?
+ Nói một cũng được, mà nói nhiều người hay không là ai cả đều không sai. Đó là hiện thân cho cái đẹp nửa hư, nửa thực của cuộc đời này mà tôi luôn đi tìm.
- Hỏi thật, ông đã thực sự có tình yêu lớn với một “người em nhỏ” nào chưa?
+ Tình yêu với tôi chỉ là tình cảm man mác thôi. Nó chỉ đẹp khi còn giữ khoảng cách. Thời tôi nổi danh với “Ngày xưa Hoàng thị”, nhiều cô tuổi độ trăng tròn mê tôi, nhưng rồi tôi chỉ coi họ là bạn hay là một cái gì đó tương tự như vậy.
- “Ngày xưa Hoàng thị” có phải là bài thơ tình đầu tiên của ông?
+ Không. Bài thơ đó nổi tiếng và ra đời trong khoảng thời gian tôi mới chập chững bước vào làng thơ nên nhiều người đã nghĩ như vậy. Còn bài thơ tình đầu tiên chính là bài “Vết chim bay” tôi viết năm 24 tuổi, lúc đã bước vào cửa chùa.
Năm đó, khi trở lại ngôi chùa mà gần 10 năm trước tôi đã gặp một cô nữ sinh vào đó học bài, thì tình cờ nhìn thấy nét phấn trắng tôi viết tên hai đứa vẫn còn in trên gác chuông. Chúng tôi chỉ quen nhau độ một tuần, rồi tự dưng cô ấy “biến mất” nhưng tôi cứ nhớ hoài vì khuôn mặt đẹp, thánh thiện như hình tượng Quan Thế âm Bồ Tát của cô ấy.
Bâng khuâng chuyện cũ, tôi đã làm bài thơ này: “Ngày xưa anh đón em/ Nơi gác chuông chùa nọ/ Con chim nào qua đó/ Còn để dấu chân in… Anh một mình gọi nhỏ/ Chim ơi biết đâu tìm…”.
- Vì sao ông đã chọn cửa chùa để gửi cuộc đời mình vào đó và vì sao sau 10 năm lại chọn con đường hoàn tục?
+ Tôi vào chùa vì một biến cố cá nhân. Còn sau đó, khi đã trải qua ngần ấy năm trong cửa Thiền, tôi đã hiểu Thiền và quyết định hoàn tục với cái lý “người ta có thể tìm thấy chân lý của Thiền ngay trong cõi trần tục”.
- Ông đã từng nói mình trở thành nhà thơ là chuyện… đột dưng? Thời trẻ, ông đã ước vọng gì về tương lai?
+ Thời trẻ, bố tôi muốn tôi trở thành một người chiến sĩ có đủ chí khí và hiểu biết để phục vụ dân tộc. Nên lúc tôi mới 4 -5 tuổi, bập bẹ được câu (có thể nghe ai đó) “Đêm còn tối tít bóng anh hào”, và chỉ độc câu đó thôi, ông cụ khoái chí bảo “Tiếp nữa đi!”. Tôi lắc đầu.
Sau đó ông đã viết thêm 3 câu nữa để thành một bài thơ đầy nghĩa khí có ý kỳ vọng vào thằng con trai. Nhưng trước sau, tôi là một người nặng tình cảm, nên cuối cùng chả làm được gì thỏa nguyện ông cụ. Ngay từ 3 - 4 tuổi, tôi đã thấy thích cái cảm giác lâng lâng mỗi khi lên núi Phụng Hoàng, ngồi lặng hàng giờ nhìn ngắm đất trời mênh mông. Nếu bố tôi thấy cảnh này chắc ông tương tôi ngay.
- Thuở nhỏ, ông thích leo núi. Trong đời mình, ông đã chinh phục đỉnh núi nào đáng kể nhất?
+ Đó là “đỉnh thơ” Phạm Thiên Thư. Đến giờ này, tôi đã hoàn thành điều mà năm 20 tuổi mình đã ước nguyện là phải viết làm sao để tác phẩm của mình có thể sánh với những bộ sử thi đồ sộ của Ấn Độ xét về mặt… số lượng. Nếu hợp tác giữa nhà sách Cảo Thơm và tôi tiến triển tốt, toàn bộ tác phẩm của tôi sẽ được in, dung lượng tổng cộng lên đến 126.000 câu thơ.
- Ông là nhà thơ tình. Quan niệm của ông về tình yêu?
+ Chính tôi cũng không thể cắt nghĩa được tình yêu là gì. Nó có thể là một trạng thái tâm thần. Nhưng chính cái gì lung linh nhất lại là cái thật nhất. Có lẽ vì vậy mà trong đời mình, lúc hai người đã đi đến chỗ mến nhau thì tôi trốn chạy. Để còn cái gì luyến tiếc, rồi làm thơ!
- Trong “Động hoa vàng” ông đã vẽ nên một cảnh giới đầy huyễn mộng trong đó toàn sắc vàng của hoa và hoa. Ông bị ám ảnh màu vàng?
+ Ký ức là một thế giới tâm linh vĩnh cửu bất tuyệt. Thuở nhỏ, tôi thường theo bố tôi lên núi Phụng Hoàng, nơi ông mua hẳn nửa quả đồi để khai thác đá trắng. Trên đó có nhiều hoa dại màu vàng, vàng ngợp cả khu đồi đá trắng. Hồi đó, tôi thấy thích chứ không biết diễn đạt thế nào. Sau này, khi làm thơ, tôi chỉ khẽ lay động ký ức, rồi tự nó bật dậy.
- Sống giữa Sài Gòn đô hội và là người ít khi đi đâu xa, làm sao ông có thể viết nên những vần thơ đằm thắm và lung linh đến như vậy?
+ Có lẽ nhờ vào nguồn lực của Thiền. Mỗi lần cảm xúc đến, tôi khẽ nhắm mắt lại, thi tứ lại dâng tràn.
- Trong vòng 10 năm qua, ông có đến 30 đầu sách được in và tái bản. Ông đã dùng tiền nhuận bút vào việc gì?
+ Tôi chưa bao giờ sống bằng nhuận bút. Trong số sách đã tái bản và in mới, một phần có tiền của mẹ tôi, một phần của bạn bè bỏ ra giúp đỡ. Tiền phát hành được tôi dùng để đãi bạn bè cà phê!
- Khi về già, người ta thường sống trong hoài niệm. Ông có hay nhớ đến những “nàng thơ” của mình?
+ Tôi thường nghĩ về họ. Những người đẹp của lòng tôi thì dù đã thuộc về ai đó vẫn cứ nguyên khôi như thuở nào.
- Cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thân tình này.
TÌM RA HOÀNG THỊ... NGÀY XƯA?
Dư luận trong giới thi văn hải ngoại gần đây đang xôn xao về việc "đã phát hiện ra bà Hoàng Thị Ngọ", nhân vật trữ tình trong bài thơ nổi tiếng "Ngày xưa Hoàng Thị" của nhà thơ Phạm Thiên Thư, bài thơ này càng nổi tiếng hơn sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trước 1975 ở Sài Gòn.
Sau khi có một phụ nữ tên Hoàng Dược Thảo tự nhận là Hoàng Thị Ngọ thì Tuần báo Việt ở Mỹ số 24, ra ngày 09.7.2005 đã đăng tải một bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, phủ nhận "nhân vật" đó - Gần đây nhất, khoảng giữa tháng 7, tại quận Cam, lại xuất hiện một người khẳng định rằng ông có liên hệ tới cô Hoàng Thị Ngọ "thứ thiệt". Tuy thực hư còn phải kiểm chứng nhưng xét thấy đây cũng là một câu chuyện khá thú vị về một thi phẩm Việt nổi tiếng, nên chúng ta hãy cùng theo dõi các thông tin dưới đây.
Hoàng Thị Ngọ được mô tả là một thiếu nữ gầy, dáng dấp tầm thước, mặt không đẹp lắm, thon thả một chút. Tóc Ngọ dài, chải thẳng ngược ra sau gáy, không rẽ ngôi. Khuôn mặt hơi dài và xương... Dưới cánh mũi bên phải của Ngọ có một mụn ruồi khá lớn. Nói chung, theo như miêu tả của ông H.H (một người quen của Ngọ) thì Ngọ lúc đó chỉ là một thiếu nữ có nhan sắc trung bình. Điểm đặc biệt là vóc dáng cô rất đẹp khi mặc áo dài. Có lẽ nhà thơ Phạm Thiên Thư và cả ông H.H đều mê vóc dáng tha thướt cùng mái tóc buông lơi đó. Dáng Ngọ đi đứng nghiêm trang, mặt nhìn thẳng, hơi ngước lên một chút. Ông H.H nhận xét: Ngọ đúng là "một mẫu người con gái có gặp mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam!"
Khoảng năm 1963, 1964 Ngọ chưa đến 20 tuổi, ở trong một căn nhà trên đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến… Gia đình Ngọ là người gốc Hải Dương, theo Công giáo. Cha của Hoàng Thị Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình khá giả, anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư... Nhan sắc Ngọ không lộng lẫy, nhưng "bù lại" cô có mái tóc dài mềm mại thả ngang lưng. Đi học, thường cô chỉ mặc hai màu áo vàng và đen rất dễ thương…
Ông H.H kể tiếp: đó là khoảng thời gian ông quen Hoàng Thị Ngọ. Thời gian sau, ông đi lính. Vài năm, khi trở về ông có nghe Ngọ nói về một "chàng trai" làm thơ theo đuổi Ngọ. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo làm quen, làm thơ, thất tình dữ lắm... Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này. Sau, "chàng nhà thơ si tình" cạo đầu đi tu ở Gò Vấp và đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư! Và bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" được Phạm Thiên Thư sáng tác lúc đã đi tu. Sau đó bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trở thành một bài hát bất hủ. Nói chung, theo "nhân chứng" H.H, thì Hoàng Thị Ngọ không "có gì" với Phạm thi sĩ kiêm tu sĩ kia. Lớn lên trong 1 gia đình trí thức nên Ngọ giỏi tiếng Pháp, cô viết được văn bằng tiếng Pháp! Sau, dường như Hoàng Thị Ngọ vào học đại học Vạn Hạnh...
Cách đây gần 1 tháng, có dịp về Việt Nam, ông H.H tìm lại lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, một căn nhà trên đường đường Lý Trần Quán (tên cũ, nay là Thạch Thị Thanh), khu chợ Tân Định, quận 1. Nhưng người hàng xóm cho ông biết là bà Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu. Nghe đâu hiện nay bà Hoàng Thị Ngọ đã định cư tại California, Mỹ.
Ông H.H khẳng định: "Tôi nghĩ tới Ngọ bằng giá trị tinh thần, chứ không phải vì nhan sắc hay bất kỳ một chuyện gì khác. Sự thùy mị, dễ thương của Ngọ là bất tử!"
Câu chuyện trên đây như một chút gia vị thêm vào nhạc phẩm “Ngày xưa Hoàng Thị” bất hủ của Phạm Thiên Thư - Phạm Duy. Nếu như HoàngThị Ngọ là một Việt kiều đang định cư tại California và có tình cờ đọc được bài viết này thì chuyên san Người Viễn Xứ mong nhận được thông tin từ bà để xác tín về một "nhân vật trữ tình" trong một thi - nhạc phẩm Việt bất hủ.
(Nhã Thi)
ĐÃ TÌM RA HOÀNG THỊ NGỌ?
LTS: Trên Việt Weekly số 24, June 9, 2005, đăng tải một bức thư của thi sĩ Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển cho báo chí, phủ nhận chuyện bà Hoàng Dược Thảo tự nhận mình là nhân vật “Hoàng Thị Ngọ” của bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư, do Phạm Duy phổ nhạc thành tác phẩm bất hủ “Ngày xưa Hoàng Thịï”. Cách đây hai tuần, tại quận Cam, tình cờ, một nhân vật xuất hiện, cho biết ông là người có liên hệ tới nhân vật “Ngọ” thiệt ngoài đời. Câu chuyện sau đây đưa thiên tình sử nhạc khúc “Ngày Xưa Hoàng Thị” qua một khúc quanh mới. Người đàn ông trong cuộc là một nhân vật kín đáo, không muốn khoe khoang về phần mình, cũng không muốn làm chuyện “giựt gân”. Tuy nhiên, như ông nói, rất muốn được gặp lại ‘cố nhân’ HoàngThị Ngọ, theo ông, hiện đang có mặt tại Cali. Nhân vật kể chuyện, người đàn ông tử tế, có công ăn việc làm đâu ra đó, có vợ con rất hạnh phúc, chỉ muốn được gặp lại Ngọ, để có thể, giúp gì được cho tri kỷ đã không gặp nhau từ mấy chục năm qua. Không hơn không kém. Nhân vật xin được giấu tên, viết tắt là H.H.
NQM: Ông quen với Hoàng Thị Ngọ, nhân vật trong thơ/nhạc của Phạm Thiên Thư, Phạm Duy trong trường hợp nào?
HH: Đó vào khoảng năm 1963, 1964. Nhà của Ngọ ở đường Trần Quang Khải, gần trường Văn Hiến… Mỗi lần cô đi học phải đi ngang nhà tôi. Nhà tôi số 90, đường Trần Quang Khải. Trường Văn Hiến cách nhà tôi độ 100 thước. Tôi thấy cổ thiệt là hiền hậu, dễ thương nên mới viết thư làm quen. Năm đó tôi chưa tới 20 tuổi, học Đệ thất, Ngọ cũng chỉ độ bằng tuổi tôi thôi. Gốc Hải Dương, gia đình Công Giáo.
NQM: Ông đã viết thư hay làm thơ cho Ngọ?
HH: Viết thư. Gởi cho Ngọ, cổ đáp ứng, mời tới nhà chơi. Ba của Ngọ là một nhà thầu khoán, gia đình rất khá, có anh chị em đi du học, làm bác sĩ, kỹ sư thời đó.
NQM: Về nhan sắc, Hoàng Thị Ngọ có đẹp không?
HH: Thành thật mà nói, Ngọ không phải là một thiếu nữ có nhan sắc lộng lẫy. Ngọ có mái tóc dài ngang lưng. Thường khi đi học, chỉ mặc hai màu áo vàng và đen. Nhưng rất là dễ thương… Ngọ có một dáng dấp mặc áo dài thật là đẹp.
NQM: Lúc đó, đã có bài thơ, bài nhạc về Hoàng Thị Ngọ chưa?
HH: Chưa. Lúc đó là thời gian chúng tôi quen nhau. Đi chơi với nhau rất vui. Một thời gian sau, tôi vào lính. Một vài năm, tôi trở về thăm Ngọ, cổ kể lại cho tôi nghe về một người con trai, theo Ngọ, viết thơ theo đuổi Ngọ, nhưng cô ấy từ chối, không nhận mối tình đó. Người đó sau này cạo đầu vô GòVấp đi tu, đó chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư như chúng ta ai ai cũng biết. Và bài thơ này làm ra lúc Phạm Thiên Thư đã đi tu. Sau này, bài thơ lại được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trở nên một bài hát bất hủ. Nói tóm lại, Hoàng Thị Ngọ nói là không có gì với nhà thơ họ Phạm kia.
NQM: Như vậy, Hoàng Thị Ngọ là người yêu của ông?
HH: Nói là người yêu, tôi e là cũng không đúng hẳn. Nó lưng chừng thôi. Chúng tôi có đi xem phim với nhau, nhưng rồi tôi đi lính, trở lại… Tôi là lính, cũng lận đận vô cùng, do đó, chuyện liên hệ giữa tôi và Hoàng Thị Ngọ cũng không liên tục. Cho tới sau 75, mỗi người phải bươn chải riêng. Tới năm 1978, tôi mới liên lạc, gặp lại Ngọ tại nhà. Lúc đó, tôi đã có gia đình. Tôi nói: “Ngọ à, bây giờ tôi có tổ chức tàu đi vượt biên, đây là cơ hội cuối cùng tôi muốn giúp cho Ngọ, nếu Ngọ muốn đi vượt biên với tôi, tôi sẽ cho Ngọ cùng thêm 1 người nữa cùng đi.”
NQM: Lúc đó chị Ngọ đã có gia đình chưa?
HH: Chưa. Chỉ có tôi là có gia đình, vợ con. Ngọ nói để cổ suy nghĩ vài ngày. Sau đó tôi trở lại, Ngọ cho biết gia đình cô ấy có tới 4 người, nếu đi 2, bỏ lại 2 thì không được. Do đó, nếu đi thì đi hết, còn không thì thôi. Trong hoàn cảnh đó, phần tôi chỉ có thể lo cho 2 người, nên không thể làm gì hơn được. Tôi đi được… Ngọ ở lại.
NQM: Sau đó, qua tới Mỹ, ông không liên lạc với Ngọ nữa sao?
HH: Không. Chúng tôi mất liên lạc luôn từ đó. Mới đây, gần 1 tháng trước, tôi có về Việt Nam, tôi có ghé lại khu nhà Ngọ ở hồi trước, tôi còn nhớ rõ, đó là căn nhà số 19E, đường Lý Trần Quán (tên cũ), bây giờ đổi thành Thạch Thị Thanh gì đó(?), khu chợ Tân Định, Phú Nhuận, Sài Gòn. Khi vào khu nhà Ngọ, bà hàng xóm vẫn nhận ra tôi. Bà cụ cho tôi biết là Ngọ đã bán nhà, dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi. Nghe nói hiện ngay Ngọ đang ở Mỹ, ở California! Tôi nghe thì cũng buồn, nhưng lại vui vì biết cổ đang ở Cali. Tôi cũng quên hỏi bà Cụ là Ngọ đi đã bao lâu rồi. Tôi rất xúc động, sau bao nhiêu năm trở về, quên trước nhớ sau. Hàng xóm nhận ra hết mà.
NQM: Xin ông mô tả lại chân dung của Hoàng Thị Ngọ theo trí tưởng tượng của ông?
HH: Ngọ chỉ là một thiếu nữ tầm thước, cỡ 5’2”. ốm, da mặt không đẹp lắm, rơm rơm một chút. Tóc dài, chải thẳng ra phía sau mà không rẽ ngôi. Mặt hơi xương xương, dài dài. Ngọ có một cái mụn ruồi cũng hơi lớn lớn dưới cánh mũi bên phải. Một nhan sắc trung bình. Chỉ có dáng mặc áo dài rất đẹp. Mình mê vóc dáng và mái tóc đó. Tôi mê cái dáng của Ngọ, đúng là một cô gái Việt Nam. Đi đứng nghiêm trang, không ngó qua ngó lại. Mặt nhìn thẳng, nhìn lên chút xíu. Một mẫu người con gái có bị mưa cũng không dám chạy. Rất Việt Nam.
NQM: Ông có nghĩ rằng, nếu không có chiến tranh, cách trở, ông có nghĩ sẽ lấy cô Ngọ làm vợ không?
HH: Tôi nghĩ duyên số cũng khó nói lắm. Lúc đó tôi chỉ là anh học trò dưới tỉnh lên, trọ học lang thang. Gia đình Ngọ giàu có. Tôi vào lính, nay đây mai đó, không có hy vọng nào mà đạt được. Hai đứa có trao đổi thật nhiều, nhưng biết rằng có sự cách trở nên không đi tới đâu…
NQM: Giả dụ bây giờ, gặp nhau lại ở Cali, ông nghĩ sẽ đối xử với cô Ngọ ra sao?
HH: Bây giờ gặp lại, chỉ là kỷ niệm thôi. Nhưng tôi rất muốn gặp lại Ngọ. Hồi đó chúng tôi viết cho nhau những câu đùa vui, rất dễ thương, lúc tôi đi lính, là: “Nếu mà anh tử trận, hồn anh sẽ về báo tin cho em biết, em có sợ không?” Ngọ trả lời tôi rằng: “Em sẽ không sợ đâu. Dù anh là lính chết trận, là ma, nhưng với em, anh là con ma dễ thương!” Cổ là một trí thức, tiếng Pháp giỏi, có khả năng viết văn bằng tiếng Pháp. Hình như cổ học đại học Vạn Hạnh.
NQM: Ông có nghĩ rằng, sau khi bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” ra đời, được phổ nhạc, và nổi tiếng… những điều này có ảnh hưởng tới suy nghĩ, tình cảm của ông về người con gái tên Ngọ hay không?
HH: Tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó. Lúc đó, Ngọ chỉ nói thoáng với tôi về chuyện thơ, nhạc mà thôi. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo chọc, làm thơ, rồi thất tình dữ lắm v.v. Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này. Còn tôi, cũng không biết Ngọ thích tôi ở điểm gì. Tôi nghĩ nếu không phải thời chiến, chuyện tình cảm của chúng tôi không chừng sẽ tiến xa thêm.
NQM: Nhiều năm qua, mỗi lần nghe bài hát “Ngày Xưa Hoàng Thị”, ông cảm thấy thế nào?
HH: Tôi vẫn xúc động khi nghe lại bài hát này. Không có gì thay đổi trong tôi khi nghĩ về Ngọ. Tôi nghĩ tới Ngọ bằng giá trị tinh thần, chứ không phải vì nhan sắc hay bất kỳ một chuyện gì khác. Sự thùy mị, dễ thương của Ngọ là bất tử. Thời chúng tôi, khoảng cách giữa nam và nữ rất nghiêm túc, nên hầu như giữa chúng tôi không có vấn đề gì khác ngoài kỷ niệm. Tôi viết cho Ngọ khoảng 10 lá thư, và Ngọ cũng trả lời cho tôi khoảng bằng đó lá thư. Thư viết cho nhau cũng không phải là người yêu viết cho người yêu, mà như hai người bạn thân. Tôi nghĩ, có lẽ tình bạn này mới là bất diệt.
NQM: Xin ông cho biết, câu chuyện “Ngày xưa Hoàng Thị” này, nếu bây giờ tới tai bà xã ông, ông có bị phiền gì không?
HH: Cả nhà tôi ai cũng biết. Bà xã tôi cũng đã nghe tôi kể cho bả nghe. Nhưng không sao hết, gia đình tôi rất hạnh phúc. Vợ chồng con cái rất thương yêu, tôn trọng nhau. Tôi biết là khi đọc bài báo này, chắc bả cũng có buồn chút chút, nhưng tôi nghĩ bả sẽ hiểu là tôi rất đàng hoàng, chuyện nào ra chuyện nấy. Nhân chuyện báo Việt Weekly nhắc tới bài thơ, bài nhạc, rồi có người ngộ nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, rồi nhạc sĩ Phạm Duy phải đi tìm v.v., tôi thấy mình cần lên tiếng về phía mình. Tuy nhiên, về phía Ngọ, nếu Ngọ có mặt ở Cali, xin để cho mọi người được biết, và tôi là người rất muốn được gặp lại bạn xưa, xem nhau như tri kỷ mà thôi, chứ không dám mong gì hơn.
(Nguyễn Quang Minh ghi)
PHẠM THIÊN THƯ NÓI VỀ HOÀNG THỊ NGỌ (*)
Tác giả: Nhạc sĩ Pham Duy
Nguồn: Việt Weeky
Tôi tới quán Hoa Vàng để thăm Phạm Thiên Thư trong một chiều vừa tạnh mưa, có nắng chiều tươi đẹp…
Đây là một quán cà phê nho nhỏ ở Ngã Tư Bẩy Hiền, rất trang nhã, rất tĩnh mịch, rất nên thơ. Chủ nhân tiếp tôi trên một mảnh vườn nho nhỏ. Tôi mừng vì Phạm Thiên Thư khỏe hơn trước, minh mẫn hơn, họat bát hơn so với ngày anh bị rối lọan tinh thần. Một tác phẩm của anh vừa được xuất bản là cuốn Tự Điển Cười. Chúng tôi rất sung sướng được gặp nhau sau trên 30 năm xa cách, trong lòng rất yên vui.
Trong câu chuyện hàn huyên, tôi cho anh biết tin có người tìm ra Hoàng Thị Ngọ, tin này đăng trên Viet Weekly ở Hoa Kỳ.
Tôi đọc cho anh nghe những lời của ông H.H., nhất là đoạn mô tả chân dung Hoàng Thị Ngọ thì Phạm Thiên Thư xác nhận đúng là người trong bài thơ cũ. Cũng như căn nhà của nàng đúng là ở trên đường Trần Quang Khải, gia đình nàng theo đạo Công giáo, cha nàng là một nhà thầu khoán v.v…
Chỉ có một điều anh muốn nói với tôi: Hoàng Thị Ngọ chỉ là nguồn cảm hứng để anh viết bài thơ ngày xưa ấy, trong thực tế anh không phải là một “chàng trai” làm thơ theo đuổi Ngọ. Theo Ngọ kể, nhà thơ này si tình Ngọ dữ lắm, đi theo làm quen, làm thơ, thất tình dữ lắm... Nhưng Ngọ không đáp lại mối tình si này.
Thực ra, khi xưa, hằng ngày, trên con đường đi đi về về, hai người thường gặp nhau và Phạm Thiên Thư làm thơ cho mình chứ không phải là cho người nữ. Có thể anh (cũng như tôi) muốn xưng tụng một người con gái không mang những cái tên kiều diễm như Tuyết Khanh hay Ánh Tuyết mà mang cái tên bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. Anh nói thêm là mười năm sau, hai người (coi như là hai người bạn) có gặp lại nhau, khi đó bài thơ phổ nhạc đã được phổ biến rộng rãi… Và dường như Hoàng Thị Ngọ không có con với ai cả!
Cuối cùng, anh ghé tai tôi, nói thầm: “vợ tôi, kỳ lạ thay, giống Hoàng Thị Ngọ như lột”.
(Saigon, chiều 8 tháng 8, 2005)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét