Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

3 Thay Ðổi Quan Trọng Của Luật Di Trú Trong Năm 2012

Sự Thay Ðổi Thứ Nhất Của Sở Di Trú:
Việc tiến hành duyệt xét đơn mới I-601A xin hủy bỏ vi phạm.

 Việc này vẫn chưa được thực hiện, nhưng hy vọng sẽ đến trong một ngày không xa. Việc tiến hành duyệt xét loại đơn mới mẻ này được thực hiện để giúp cho những người thân trực hệ của các công dân  Mỹ đã sống ở Hoa Kỳ bất hợp lệ trên 6 tháng, và đối diện với luật cấm nhập cảnh từ 3 đến 10 năm nếu họ rời Hoa Kỳ để xin chiếu khán (visa) di dân ở nước ngoài. Sau khi sở di trú chấp thuận đơn xin Hủy Bỏ Vi Phạm Tạm Thời I-601A, những người thân trực hệ của các công dân Mỹ sẽ có thể rời khỏi Hoa Kỳ để tham dự những cuộc phỏng vấn xin chiếu khán di dân mà không còn sợ đơn xin Thẻ Xanh sẽ bị từ chối vì đã ở qúa hạn tại Hoa Kỳ.

Những người nộp đơn xin huỷ bỏ vi phạm trên mẫu đơn mới sẽ đòi hỏi việc chứng minh những khó khăn trầm trọng sẽ xảy đến người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ. Tình trạng "khó khăn trầm trọng" có nghĩa là những gì sẽ xảy ra nếu đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ vĩnh viễn, hoặc "khó khăn trầm trọng" sẽ xảy ra nếu cha mẹ hay người phối ngẫu công dân Mỹ phải thay đổi chỗ ở để đi theo đương đơn.

Cần lưu ý rằng Sở di trú USCIS sẽ chỉ cứu xét tình trạng khó khăn trầm trọng xảy ra với người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ. Nếu qúy vị phân trần những khó khăn trầm trọng xảy ra cho chính mình hoặc những người khác ở bên cạnh người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ, thì qúy vị phải chứng minh tình trạng khó khăn trầm trọng sẽ ra sao đối với người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ. Nếu chỉ thuần túy ước muốn sống chung với người thân ở Hoa Kỳ sẽ không được xem là "khó khăn trầm trọng". Càn phải có nhiều bằng chứng vững chắc nếu muốn chứng minh tình trạng "khó khăn trầm trọng".

Một cá nhân có thể nộp đơn xin hủy bỏ vi phạm tạm thời vì cư ngụ quá hạn nếu họ từng thực sự cư ngụ ở Hoa Kỳ; ít nhất 17 tuổi; là người được bảo lãnh có tên trong đơn xin chiếu khán di dân (đơn I-130) xác nhận diện bảo lãnh là người thân trực hệ của công dân Hoa Kỳ; đáp ứng tích cực thủ tục xin chiếu khán di dân và đã trả tiền lệ phí nộp đơn xin chiếu khán di dân cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; có thể chứng minh rằng việc từ chối nhập cảnh sẽ đưa đến tình trạng khó khăn trầm trọng cho người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ.


 Sự Thay Ðổi Thứ Hai Của Sở Di Trú:
 Những Lợi Ích Của Người Còn Sống: Một chọn lực mới cho những người đang sống ở Hoa Kỳ sau khi "Người Thân Ðủ Tiêu Chuẩn" qua đời

Trong quá khứ, chỉ có người góa bụa của một công dân Mỹ có thể tiếp tục nộp đơn xin Thẻ Xanh sau khi người hôn phối bảo lãnh qua đời. Ðạo luật INA 240(I) mở rộng thêm sự lựa chọn cho những lợi ích di trú của người còn sống đến những hạng mục liên hệ thân nhân khác, bao gồm cả những người được hưởng quyền lợi đi theo (như con cái của đương đơn chẳng hạn) của các diện bảo lãnh gia đình.

Luật mới này ưu tiên nhắm vào các đương đơn xin chiếu khán đang ở Hoa Kỳ. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa rõ luật này sẽ áp dụng dễ dàng ra sao đối với những người hiện sống ở Việt Nam.  Sở di trú hiểu rằng nhóm chữ "người thân đủ tiêu chuẩn" có thể là Người bảo lãnh hoặc Người được bảo lãnh (Ðương đơn chính). Nói cách khác, nếu Người được bảo lãnh đã kết hôn hoặc là người mẹ/người cha độc thân qua đời, thì người hôn phối còn sống và những đứa con còn sống của Người được bảo lãnh sẽ vẫn hợp lệ để xin chiếu khán di dân.

Ðể xin phục hồi đơn bảo lãnh đã được chấp thuận theo tiêu chuẩn nhân đạo, hoặc của một đơn bảo lãnh đã bị từ chối vì "người thân đủ tiêu chuẩn" qua đời, người được hưởng quyền lợi nên gửi thư yêu cầu xin phục hồi đến trung tâm di trú hoặc văn phòng di trú địa phương nào đã chấp thuận đơn bảo lãnh.

Mặc dù sự liên hệ gia đình ở Hoa Kỳ là sự quan tâm lớn trong việc xin "phục hồi vì lý do nhân đạo", nhưng sẽ không có những đòi hỏi khắt khe mà người được hưởng quyền lợi ở Việt Nam phải chứng mình về tình trạng vô cùng khó khăn của mình, hoặc đối với những người thân đang sống tại Hoa Kỳ, để việc phục hồi có thể được chấp thuận sau khi "người thân đủ tiêu chuẩn" qua đời.

 Sự Thay Ðổi Thứ Ba Của Sở Di Trú:
 Chương trình "DACA"  


"DACA" là những chữ viết tắt của chương trình Tạm Hoãn Thi Hành (Lệnh Trục Xuất) Cho Những Người Ðến (Mỹ) Từ Thơ Ấu (tức Deferred Action for Childhood Arrivals".
Chương trình này cho phép những cá nhân hội đủ những điều kiện cụ thể để xin cứu xét lệnh tạm hoãn trục xuất từ Sở di trú. Nếu họ nhận được giấy tạm hoãn trục xuất, họ sẽ không bị đặt trong tình trạng phải di chuyển nơi cư trú hoặc bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Họ sẽ được phép sống hợp lệ và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ trong 2 năm và có thể được gia hạn. Chương trình mới này không mang lại Thẻ Xanh. Ðây chỉ là một thủ tục giúp cho họ được sống tạm thời hợp pháp tại Hoa Kỳ. Mẫu đơn và hướng dẫn cho chương trình này đã có sẵn trên trang nhà của Sở di trú tại: http://uscis.gov/i-821d.

Qúy vị có thể xin Lệnh Hoãn Thi Hành Cho Những Người Ðến Từ Thơ Ấu nếu hội đủ những tiêu chuẩn sau đây:

- Qúy vị đến Hoa Kỳ trước khi 16 tuổi và phải ít nhất 15 tuổi vào thời điểm nộp đơn.

- Qúy vị cư ngụ liên tục ở Hoa Kỳ từ ngày 15 tháng 6 năm 2007 đến hiện tại.

- Qúy vị dưới 31 tuổi cho đến ngày 15 tháng 6 năm 2012, hoặc diện di trú hợp lệ hết hạn vào ngày 15 tháng 6 năm 2012.

- Qúy vị hiện đang đi học, hay đã tốt nghiệp, hoặc có chứng chỉ hoàn tất bậc trung học, hoặc có chứng chỉ phát triển giáo dục phổ thông, hay qúy vị là cựu quân nhân được giải ngũ danh dự từ Lính Tuần Phòng Bờ Biển hay từ Quân Lực Hoa Kỳ.

- Qúy vị chưa từng bị một tội đại hình, hoặc một tội tiểu hình đáng quan tâm, hay từ ba tội tiểu hình trở lên, và không làm một hành động nào mang tính đe dọa cộng đồng.

- Qúy vị có mặt tại Hoa Kỳ cho đến ngày 15 tháng 6 năm 2012, và cho đến thời điểm thực hiện việc yêu cầu xin hoãn lệnh trục xuất từ Sở di trú USCIS.

Những hướng dẫn của Sở di trú về mẫu đơn I-821D có một danh sách đầy đủ về những những gì mà đương đơn cần làm để chứng minh diện của mình và việc cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Chương trình mới này không áp dụng cho những trẻ em vẫn còn diện hợp pháp, hoặc đến Hoa Kỳ sau ngày 15 tháng 6 năm 2007.

Hỏi Ðáp Di Trú

- Hỏi: Người phối ngẫu và con cái của thường trú nhân có thể hợp lệ nộp đơn mới I-601A xin hủy bỏ vi phạm không?

- Ðáp: Không. Sở di trú USCIS sẽ chỉ giải quyết đơn xin huỷ bỏ vi phạm cho những người thân trực hệ của người phối ngẫu hoặc cha mẹ công dân Mỹ, vì số chiếu khán dành cho các diện này luôn luôn có sẵn.

- Hỏi: Nếu đơn xin hủy bỏ vi phạm của tôi được chấp thuận, liệu tôi có thể xin điều chỉnh diện cư trú mà không cần phải rời Hoa Kỳ không?

- Ðáp: Không. Những người được chấp thuận đơn xin hủy bỏ vi phạm hiện diện bất hợp lệ phải rời khỏi Hoa Kỳ để tham dự cuộc phỏng vấn xin chiếu khán di dân chính thức của họ với nhân viên lãnh sự.

- Hỏi: Ðương đơn xin chiếu khán phải nộp đơn xin phục hồi đơn bảo lãnh cách nào theo điều luật 204(I), nếu đơn bảo lãnh đã được chấp thuận trước khi người thân hội đủ tiêu chuẩn qua đời?

- Ðáp: Sở di trú đề nghị những người có đơn bảo lãnh đã được chấp thuận nên xin phục hồi đơn bảo lãnh bằng cách viết thư cho văn phòng di trú đã chấp thuận đơn bảo lãnh, chứ không phải nơi đã nộp đơn. Lá thư cần ghi chú rõ đương đơn muốn xin phục hồi đơn theo điều luật 204(I).

- Hỏi: Khi đơn bão lãnh được phục hồi, người ta có thể vẫn giữ ngày ưu tiên của đơn bão lãnh I-130 cũ không?

- Ðáp: Ðơn bảo lãnh được phục hồi sẽ vẫn duy trì ngày ưu tiên nguyên thủy. Ðiều luật INA 204(I) yêu cầu sở di trú tiến hành duyệt xét đơn bình thường như thể người thân đủ tiêu chuẩn chưa qua đời.

- Hỏi: Có phải "hiện đang đi học" tính cho đến ngày đơn I-821D được nộp không?

- Ðáp: Ðúng. Ðể được xem là "hiện đang đi học", qúy vị phải đã được theo học vào ngày nộp đơn I-821D.

- Hỏi: Chương trình này đòi hỏi 5 năm hiện diện ở Hoa Kỳ sau ngày 15 tháng 6 năm 2007. Liệu những chuyến đi ngắn ra khỏi Hoa Kỳ sẽ gây trở ngại vì yêu cầu cư ngụ liên tục không?

- Ðáp: Một thời gian vắng mặt ngắn khỏi Hoa Kỳ sẽ không gây trở ngại quy đînh cư ngụ liên tục nếu thời gian này ngắn, và nếu việc này không liên hệ đến một án lệnh bị cấm nhập cảnh, bị trục xuất hoặc di chuyển nơi cư ngụ khỏi Hoa Kỳ.

Nguồn:  rmiodp.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét