Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Chiếc lá cuối cùng

Tuấn Khanh (sinh 1933) tên thật Trần Ngọc Trọng, Tác phẩm của ông đa số là nhạc vàng nhưng cũng có ở nhiều thể loại khác, điển hình như Chiếc lá cuối cùng, ca khúc nổi tiếng nhất của Tuấn Khanh thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến.

Ngoài viết nhạc, ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Trần Ngọc.
Tiểu sử

Trần Ngọc Trọng sinh năm 1933 tại Nam Ðịnh.

Năm 1950, ông về sống ở Hà Nội, tại đây học vĩ cầm từ người anh cả

Năm 1954 được giải hạng nhất của đài phát thanh Hà Nội về giọng hát.

Năm 1955, một mình vào Nam, sáng tác nhạc phẩm đầu tiên: Ðò Ngang (viết cùng Y Vân).
Năm 1982, vượt biển sang Hoa Kỳ, sống ở Garden Grove, California.

2008, ông về Việt Nam thực hiện album Hoa soan bên thềm cũ.
Tác phẩm

Chiếc lá cuối cùng
Hoa soan bên thềm cũ
Chiều Biên Khu
Dù Thương Không Nói
Hoa Cài Thép Súng
Quán Nửa Khuya
Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Ði
Dưới Giàn Hoa Cũ
Những Ngày Xa Cách
Ngày Nào Con Trở Về
Mộng Ðêm Xuân
Một Chiều Ðông



...Tôi không nhớ chính xác từ năm nào tôi đã yêu đến thế, bài Chiếc Lá Cuối Cùng do nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác. Tôi chỉ có thể mang máng, hình như thời gian đó Lệ Thu đang đạt tới vị trí tột đỉnh trong nghề ca hát của cô. Thời gian đó ở Sài-gòn, cả hai phòng trà Ritz (đường Trần Hưng Đạo) và Tự Do (đường Tự Do) đều muốn Lệ Thu ký giao kèo độc quyền với mình, đến nỗi Lệ Thu bị ông Nguyễn Văn Cường chủ nhân phòng trà Tự Do kiện vì chuyện giao kèo. Như vô số thính giả khác, tôi rất say mê tiếng hát Lệ Thu, qua Nửa Hồn Thương Đau (nhạc phẩm của Phạm Đình Chương), qua Ngậm Ngùi (Phạm Duy sáng tác), ... và dĩ nhiên qua Chiếc Lá Cuối Cùng. Từ chỗ say mê tiếng hát, tôi chìm đắm trong bài hát. Lúc đó tôi chỉ vừa mới lớn, chưa tiễn ai thì làm sao có cảm giác "chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá" như thế nào. Tôi chưa xa ai nên làm sao biết "xa nhau chưa, mà lòng nghe quạnh vắng" ra sao. Tôi cũng chưa biết nhấp rượu, nên không rõ "rượu cạn ly uống say, lòng còn giá" đến mức nào.

Thế nhưng sự xúc động sâu lắng vẫn ngấm vào tôi qua những tiếng thở dài trong ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng:

“Đêm qua chưa, mà trời sao vội sáng? Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang. Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá. Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa... Xa nhau chưa, mà lòng nghe quạnh vắng? Đường thênh thang gió lộng một mình ta. Rượu cạn ly uống say lòng còn giá.
Lá trên cành một chiếc cuối bay xa... "





 Có lẽ, óc tưởng tượng "hơi sớm" của cậu thanh niên ham thích văn chương - là tôi lúc đó - giúp tôi sớm cảm nhận những dòng nhạc Tuấn Khanh đã viết.

Từ chỗ cảm nhận ấy, khi gặp nhạc sĩ Tuấn Khanh mùa hè năm 2001, tôi đã trình bày với ông sự nhận xét của tôi về Chiếc Lá Cuối Cùng. Đó phải là một mối tình rất lớn, nỗi buồn đó phải in sâu lắm, niềm nhớ nhung đó phải day dứt khôn nguôi, ông mới "có thể viết nổi" bài Chiếc Lá Cuối Cùng hay đến như vậy, nhiều cảm xúc đến như vậy. Nghe tôi nói xong, nhạc sĩ Tuấn Khanh gật đầu, công nhận điều đó đúng.

Đối với riêng tôi, Chiếc Lá Cuối Cùng là tình khúc day dứt nhất so với những bản tình ca khác của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Day dứt nhất, vì suốt dòng nhạc Tuấn Khanh mà tôi được biết, chỉ trong bài Chiếc Lá Cuối Cùng mới có hình tượng một chàng trai buồn tình, uống say để mong quên sầu, nhưng men rượu không sưởi ấm nổi cõi lòng lạnh giá; để rồi chợt tỉnh ra, bàng hoàng tự hỏi không biết đêm đã qua hay chưa, không biết người tình đã xa rồi hay chưa. Chiếc Lá Cuối Cùng day dứt nhất, vì dòng nhạc tình Tuấn Khanh nói chung, tha thiết lắm nhưng vẫn dịu dàng, chừng mực, như một chàng trai mới lớn, vẫn còn rụt rè trong yêu đương chứ chưa dám tận hưởng một cách trọn vẹn, phóng túng.
"Một hôm bước lần theo lối cũ tôi về, thầm mơ giàn hoa tím xưa chưa phai. Đời tôi đã nhiều lần gió lùa xao xuyến tim đơn chiếc thân. Lòng tôi vẫn còn ghi mãi phút êm đềm, thềm hoa chia tay lúc trăng đang lên. Hẹn tôi đến một mùa sẽ thắm duyên lành, ngắt bông hoa tím trên cành trao anh... Chiều nay dưới giàn hoa thơm ngát êm đềm, vầng trăng thu soi mắt em long lanh. Hỏi tôi những chiều buồn mây tím xây thành, có thương hoa thắm mong chờ không anh? (Dưới Giàn Hoa Cũ)

"Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi. Xa vắng miền quê bao năm rồi, về gặp em ngây thơ duyên dáng, hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng... Em nhé mình thương nhau muôn đời. Anh giữ gìn biên cương xa vời. Đừng buồn khi xa nhau anh nhé! Thăm em đôi ngày rồi anh đi”. (Hoa Soan Bên Thềm Cũ)

“Rồi đây anh đưa em về nơi vui ấm êm, trăng soi đầy thềm. Nhìn nhau khẽ nói câu thời gian trôi qua mau, không phai lạt đâu... Chiều nay nghe chơi vơi, nhìn chiếc lá sắp rơi, mưa giăng đầy trời. Ngời sáng khóe mắt em, mừng vui nghe qua đêm. Thôi đừng gọi tên”. (Một Chiều Đông)

"Tại mình còn yêu. Tại mình còn thương đôi mắt lạ thường, say đắm thẹn thùng e ấp ngại ngùng. Ngày ấy yêu nhau. Giờ khóc xa nhau. Nghe lòng bão tố, thiết tha hay nhạt phai? " (Nhạt Nhòa)


Tôi tin là sự dịu dàng, chừng mực ấy trong nhạc tình Tuấn Khanh là điều tất nhiên, bởi thế hệ ông lúc đó còn bị nhiều ràng buộc bởi xã hội khắt khe. Ông sinh ra trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nghe kỹ lời nhạc ông viết, người nghe sẽ nhận ra trong đó mang nhiều thi tính, nói cho dễ hiểu là chất thơ và đó là loại thơ tiền chiến như chính nhạc của ông được xếp vào dòng nhạc tiền chiến. Điều này tôi không lấy làm lạ, bởi thế hệ ông lớn lên, rất gần gũi những dòng nhạc những bài thơ tiền chiến thời ấy.

Vì chất thơ trong nhạc nên lời nhạc bóng bẩy, dễ bị hát sai ở một vài chữ, trong một vài câu (và nghĩ cho cùng, không riêng gì nhạc Tuấn Khanh, mà nhạc của một số tác giả khác cũng bị "sửa" chữ) do sự sơ ý của người hát: "Như hương hoa soan dâng bên thềm (dịu dàng nhưng ngát say)" đã bị hát sai, thành ra "như hương hoa soan vang bên thềm... " Trường hợp tương tự như vậy cũng xảy ra với bài Chiếc Lá Cuối Cùng. Chính nhạc sĩ Tuấn Khanh là tác giả nhạc phẩm ấy cũng phải công nhận là tôi tinh ý, khi tôi đưa ra nhận xét rằng người ta hát sai, thay vì "đêm qua chưa (mà trời sao vội sáng)" thì họ lại hát là "đêm chưa qua".

Điều ấy, sau này nhạc sĩ Tuấn Khanh đã mang ra trình bày cùng khán thính giả Paris by Night trong chương trình thu hình Đêm Văn Nghệ Thính Phòng.

Dòng nhạc Tuấn Khanh nói chung, còn nét đặc biệt nữa là thường đề cập đến hoa. Và nếu không hoa thì lá. Điển hình là trong những bài Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Dưới Giàn Hoa Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng, Một Chiều Đông (như đã trích ở phần trên), cũng như những bài khác nữa:
“Hôm nay bạn đi gót chân theo nhịp dạ hành. Tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh... ” (Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi)

"Hoa nào mà không phôi pha sắc hương. Ân tình nào mà không gây vấn vương. Lê đôi gót đi khắp chốn ngàn phương để tìm hương... " (Quán Nửa Khuya)

"Nhớ em gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm. Nhiều đêm thầm mơ những phút êm đềm... " (Nhớ Nhau)

"Thương em bé nhỏ, nụ hoa chớm nở. Tình buồn như áng mây bay... " (Chiều Lá Đổ)



Nhân câu chuyện Chiếc Lá Cuối Cùng, tháng 2-2002 vừa qua tôi đã gợi chuyện, hỏi nhạc sĩ Tuấn Khanh về đời sáng tác của ông và được biết như sau:

Tuấn Khanh: Trước Chiếc Lá Cuối Cùng, tên tuổi Tuấn Khanh đã được biết qua các sáng tác như Quán Nửa Khuya, Chiều Biên Khu, Hoa Soan Bên Thềm Cũ... Riêng bài Chiếc Lá Cuối Cùng, theo cuốn Danh Mục Nhạc Việt in ở hải ngoại thì đó là bài đã được nhiều người hát, được nhiều trung tâm thu băng nhất, ngay cả so với những bài của những tác giả nổi tiếng khác.

Nguyên Nghĩa: Ngoài bút hiệu Tuấn Khanh, được biết anh còn nhiều bút hiệu khác nữa...

TK: Ngoài Tuấn Khanh, anh còn ký tên Hoàng Mộng Ngân, Mạnh Đạt, Ngọc Dũng... Thí dụ như bài này, Chuyện Người Lính Chiến Cô Đơn, ghi là ý thơ Mạnh Đạt, nhạc Châu Ngân & Ngọc Dũng. Đúng ra Châu Ngân là người bạn quen từng sáng tác chung với Tuấn Khanh một hai bản, nhưng riêng bài này thì của Tuấn Khanh từ đầu đến cuối.

NN: Khi dùng nhiều bút hiệu như vậy, anh có chủ đích là chỉ ký Tuấn Khanh cho riêng một loại nhạc nào đó, còn những bút hiệu khác dành cho loại nhạc thứ nhì, thứ ba, thứ tư... chăng?

TK: Ngày xưa thì anh làm như thế nhưng bây giờ chỉ còn có một bút hiệu Tuấn Khanh thôi. Từ xưa đến giờ người ta biết đến Tuấn Khanh qua Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng, Chiều Biên Khu, Quán Nửa Khuya, Nỗi Niềm, Nhạt Nhòa, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi... Thực ra Tuấn Khanh còn nhiều bản nhạc khác nữa mà người ta vẫn thường nghe, nhưng Tuấn Khanh ký tên khác. Chú có muốn anh giải bày tâm sự, lý do tại sao anh lại làm như thế không?

NN: Vâng.

TK: Lý do là vì có hai loại nhạc, một loại chọn lọc và một loại mà thiên hạ gọi là nhạc đại chúng. Tuấn Khanh đã viết được Chiếc Lá Cuối Cùng, sao lại viết "Vì lỡ thương nhau nên đôi mình đành đau khổ... ", nghe "chỏi nhau" lắm. Vì thế nên phải đổi tên để viết loại nhạc đại chúng. Nhưng sau khi vượt biển, sang đến đảo anh có gặp một bà Cao Ủy Tị Nạn. Ở đảo, anh có sáng tác bài Lời Cám Ơn Sầu. Anh có nói với bà ấy rằng bài này không được đại chúng, dùng những từ ngữ hay nét nhạc hơi cao, chắc là sẽ không được quảng bá đông đảo đâu. Bà ấy mới nói với anh một câu, anh mới vỡ lẽ ra rằng từ trước đến giờ mình lầm. Bà ấy nói rằng: Anh nên làm nhạc cho cả số đông quần chúng, cho họ nghe với. Họ cũng thích nhạc lắm. Họ chỉ nghèo không được ăn học nhiều, chứ họ có tội gì đâu. Anh mới thấy rằng, mình thật ra cũng chẳng có gì khác người, chẳng có gì "ghê gớm" cả.

Chẳng qua trời cho mỗi người một năng khiếu. Trời cho mình năng khiếu làm thơ thì mình làm thơ, trời cho mình năng khiếu làm nhạc thì mình làm nhạc, trời cho người khác năng khiếu đi cày thì họ đi cày. Mình làm thế nào cho hợp với năng khiếu trời cho mình. Ý trời muốn mình làm gì thì mình nên làm cho nó công bằng. Nhạc là một món ăn tinh thần rất cần thiết cho con người, cho tất cả mọi tầng lớp chứ không riêng một tầng lớp nào cả. Nếu mình chỉ làm cái gì cho thật cao thật hay, cho một tầng lớp gọi là trí thức hiểu rộng biết nhiều, thế thì còn tầng lớp kia, mình bỏ rơi người ta à? Cái đó bất công, cái đó vô lý!

Cảm ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh đã chia sẻ điều ấy cùng những người nghe nhạc bình thường. Ước mong một lúc nào đó, người yêu nhạc Việt sẽ được nghe thêm những nhạc phẩm khác nữa trong toàn bộ sáng tác của ông, dành cho mọi tầng lớp.





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét