Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Giáo dục Hoa Kỳ - Đại học cộng đồng

Community College


Community College là gì?
Đại học cộng đồng (community college) là đại học công lập trực thuộc chính phủ các bang của Mỹ. Thông thường, community college đào tạo chương trình hai năm để lấy bằng Associate's Degree để đi làm hoặc chuyển tiếp qua đại học đa ngành 4 năm (University) để học nâng cao. Ngoài ra, cũng có thể học một số ngành nghề ngắn hạn tại community college.


 
Lợi điểm của community college


Nhập học tự do
Phần lớn các trường đại học cộng đồng có chính sách nhập học tự do, nghĩa là một học sinh ra trường trung học Mỹ sẽ tự động được hội đủ tiêu chuẩn và điều kiện nhập học. Một số lớn các đại học cộng đồng không đòi hỏi điểm SAT (Scholastic Apptitude Test) hoặc ACT (Apptitude College Test) mà phần đông các đại học 4 năm đòi hỏi.

Tiện lợi
Các trường đại học cộng đồng có thời khóa biểu các lớp học rất thuận tiện cho sinh viên đang hoặc sẽ đi làm vì họ có các lớp học buổi chiều tối hoặc cuối tuần.

Thành phần giáo sư chuyên môn
Nói chung các trường đại học 2 năm và cộng đồng cũng có uy tín như các đại học 4 năm. Điều đáng ghi nhận là phần đông những giáo sư trường đại học 2 năm chỉ chú tâm vào việc giảng dạy, chứ không phải để tham gia vào công việc nghiên cứu. Do đó bạn có nhiều cơ hội được dạy trực tiếp bởi các vị giáo sư hơn là các sinh viên phụ giảng (teaching assisstants).

Lớp học nhỏ
Lớp học lớn và đông sinh viên hay lớp nhỏ và ít sinh viên, có ảnh hưởng đến chất lượng của sự giảng dạy. Bạn có thể cần đến sự chú ý của giáo sư để học tập tốt hơn. Các lớp học trung bình ở các trường đại học 2 năm và cộng đồng thường nhỏ hơn nhiều so với các trường đại học công 4 năm.

Đa dạng
Đại học là môi trường để đào tạo cho mình một kiến thức văn hóa, tiếp thu tư tưởng mới, gặp gở nhiều người khác nhau từ khắp nơi, và trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau. Theo học ở đại học 2 năm và cộng đồng, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều nhóm sinh viên khác biệt, từ những học sinh mới vừa ra trường trung học đến các người lớn tuổi trở lại trường học sau một thời gian dài xa mái trường. Bạn có thể học chung lớp với những người đã có bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ và muốn trở lại trường để học thêm một số ngành nghề nào đó cần thiết cho sự tiến thân trong nghề nghiệp của họ hay để mở mang kiến thức về một lãnh vực họ thích thú.

Tiết kiệm học phí
Học phí hằng năm của các trường đại học 2 năm và cộng đồng gần bằng phân nữa học phí tại các đại học công 4 năm.



Chọn đại học 2 năm hay vào thẳng đại học 4 năm?
Van Phan
(Viết theo collegeview.com)


Khi nói đến kế hoạch học đại học sắp tới, các bạn sinh viên cần phải suy nghĩ đến chuyện mình có thể đầu tư bao nhiêu thì giờ và tiền bạc vào việc học, và kế đó là loại nghề nghiệp nào mà mình muốn theo trong tương lai.

Nhằm giúp các bạn hình dung được bước kế tới sẽ là gì, sau đây là một số điều được coi là ưu điểm của loại trường đại học hệ hai năm.


Trường đại học hai năm
Mặc dù các trường đại học hệ bốn năm vẫn được báo chí truyền thông chú ý nhiều hơn qua các sinh hoạt ngoài lớp học -như thể thao và văn hóa nghệ thuật- nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học đã không ngần ngại bước thẳng vào các trường đại học hệ hai năm. Nếu nhìn vào những sự kiện thực tế thì điều này chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. Học đại học hệ hai năm ít tốn tiền hơn, vừa mau ra trường hơn mà cũng vừa dễ có một nghề trong tay hơn. Các trường đại học hệ hai năm cung ứng cho sinh viên cơ hội khởi sự nghề nghiệp sớm sủa hơn, và đặc biệt là sinh viên sẽ ít nợ nần hơn khi ra trường, hoặc có khi còn khỏi mang nợ gì hết nữa. Ðó là chưa nói tới chuyện các bạn sinh viên vẫn còn có thể dùng cái trường đại học hai năm này để làm bệ phóng nếu, sau khi đã tốt nghiệp đại học hai năm rồi, sinh viên đó lại nổi hứng muốn tiếp tục học lên nữa đặng hoàn tất nốt văn bằng cử nhân.


Sinh viên nào đi học trường hai năm
Trong số các sinh viên đi học trường đại học hệ hai năm, có những bạn nhắm tới chuyện đi thẳng vào một trường chuyên nghiệp, hoặc là kỹ thuật hoặc là kinh doanh. Rồi còn có những sinh viên mà thành tích hồi trung học bị trở ngại sao đó hoặc mang nhiều khuyết điểm nhưng sau khi tốt nghiệp trung học lại muốn vươn tới đích là đạt cho được văn bằng đại học bốn năm, hoặc những sinh viên chỉ đơn giản muốn tiết kiệm tiền bạc trong tiến trình hoàn tất các học khóa (courses) căn bản bậc đại học trước khi có thể chuyển tiếp lên một trường đại học bốn năm.


Sinh viên sẽ học được những gì
Tùy theo chương trình học của bạn như thế nào, các sinh viên học đại học hai năm hoặc là chú trọng tới việc hoàn tất các học khóa tổng quát cần thiết để có thể chuyển tiếp lên một trường đại học hệ bốn năm, hoặc theo đuổi các khóa học tập trung vào những ngành nghề chuyên môn, để rồi chỉ sau hai năm theo học tại trường là có thể tung cánh bay nhảy ra ngoài đời mà tự lực cánh sinh. Bởi vì các trường đại học cộng đồng (community colleges) và các trường cao đẳng kỹ thuật (technical colleges) thường có sẵn những mối quan hệ chặt chẽ tới các ngành kỹ nghệ hoặc các hãng, xưởng tại địa phương, sinh viên sẽ tìm thấy một loạt những học khóa được giảng dạy tại các trường đại học hai năm có khả năng đáp ứng trực tiếp thị trường công việc ở địa phương. Ðây là một lợi điểm có tính cách thực tế đầy sức quyến rũ đối với các bạn sinh viên nào muốn sớm hái ra tiền với mảnh bằng chuyên môn khá giá trị từ một trường đại học hai năm trong tay.


Những cơ hội học hỏi thêm
Thêm vào việc học hỏi qua các lớp học, các sinh viên đại học thuộc hệ hai năm còn có cơ hội đi học nghề và thực tập ngay tại cộng đồng mình đang ở. Ngoài chuyện có thể có cái nhìn từ bên trong công việc sau này của mình ra làm sao, các sinh viên học nghề và đi thực tập cũng còn thiết lập được các mối liên hệ quý giá với các ông-ty, xí nghiệp để rồi nhờ đó họ có thể kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường, một điều mà đôi khi các sinh viên theo học đại học hệ bốn năm cảm thấy vô cùng lúng túng trước thị trường công ăn việc làm giới hạn như trong thời buổi bây giờ.


Yếu tố chi phí
Ðây chính là chỗ mà các trường đại học hệ hai năm tỏ ra sáng giá nhất. Bởi vì hầu hết các trường đại học hệ hai năm đều được mở ra cho các sinh viên đi đi, về về hằng ngày, sinh viên có nhiệm vụ phải tự tìm lấy nơi ăn, chốn ở, và không cần thiết phải gánh chịu chi phí ăn ở cao như các sinh viên theo học tại các trường đại học hệ bốn năm mà phần đông là từ xa tới.

Ðiều quan trọng nhất là các sinh viên đại học hệ hai năm thường chỉ phải đóng học phí rất thấp so với các sinh viên theo học tại các trường hệ bốn năm. Tính trung bình, chi phí học hành trong một năm tại một trường đại học hệ hai năm là 2,544 đô-la, tức chỉ bằng hoặc hơn một phần ba chi phí học hành trong một năm tại một trường đại học hệ bốn năm.






Những nhận định không đúng về đại học cộng đồng
Van Phan
(Viết theo collegeboard)



Khi nói tới đại học cộng đồng (community college) thì những nhận định không đúng, tức là những chuyện không có thật (myth), thường được lan truyền trong giới phụ huynh và sinh viên. Nhưng các bạn sinh viên phải nắm trong tay các dữ kiện thì mới có thể biết dược những điều như thế là đúng hay sai. Sau đây là những nhận định không đúng vẫn hay được nhắc tới nhất về đại học cộng đồng.


1. Không nên học đại học cộng đồng trừ phi bạn muốn kiếm một nghề?
Sự thật thì các bạn có thể khởi đầu từ đại học cộng đồng rồi sau cùng muốn chọn nghề gì thì chọn. Rồi cũng giống như nhiều sinh viên đại học cộng đồng khác, sau khi tốt nghiệp đại học cộng đồng, bạn cứ việc chuyển trường lên một đại học bốn năm. Ít ai hiểu được rằng một trong số các lý do đại học cộng đồng được dựng nên là nhằm cung ứng cho sinh viên thuộc mọi trình độ và mọi hoàn cảnh một cách thế dễ dàng hơn để có thể lấy một văn bằng tại một college hoặc university hệ bốn năm.

2. Chả có ai ra hồn đi học đại học cộng đồng cả?

Ồ! Không nên nói vậy khi bạn chưa biết hết. Rất nhiều nhân vật tăm tiếng và thành đạt cao từng xuất thân từ đại học cộng đồng mà ra. Sau đây là một danh sách ngắn các cựu sinh viên ngời sáng của đại học cộng đồng:

- Gwendolyn Brooks, thi sĩ đoạt giải Pulitzer.
- Eileen Collins, phi hành gia Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (NASA).
- Joyce Luther Kennard, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện California.
- Jeanne Kirkpatrick, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
- Jim Lehrer, giám đốc điều hợp chương trình tin tức.
- Robert Moses, vũ sư và sáng lập viên vũ đoàn.
- Sam Shephard, nhà viết kịch đoạt giải Pulitzer.
- James Sinegal, tổng giám đốc điều hành công-ty Costco.
- Maxwell Taylor, đại tướng, chủ tịch Ủy Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ.

3. Ðại học cộng đồng chỉ là trường trung học cao cấp, vừa hỗn tạp vừa tự do?
Xin chớ để cho chế độ ghi danh mở rộng tại đại học cộng đồng làm bạn hiểu sai lạc. Ðại học cộng đồng là một trường đại học, tức một college. Người ta trông đợi các sinh viên học hành bằng nỗ lực cao và với kết quả cao y như tại bất cứ trường đại học nào khác vậy. Sự thể sinh viên ở mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi và thuộc mọi trình độ đều có thể đi học đại học cộng đồng không có nghĩa là sinh viên không cảm thấy bị thách thức, hoặc kiến thức của họ không được làm giàu thêm trên ghế nhà trường.

4. Ðại học cộng đồng là chỗ dành cho sinh viên lớn tuổi và đang đi làm toàn thời gian?
Các sinh viên tuổi từ 18 tới 24 luôn tạo thành khối sinh viên đa số trên khuôn viên đại học cộng đồng. Dĩ nhiên là đại học cộng đồng mang đặc tính uyển chuyển khiến cho nơi đây hấp dẫn nhiều đối với các sinh viên lớn tuổi hơn và đang đi làm, nhưng đặc tính uyển chuyển này cũng làm lợi cho các sinh viên trẻ nữa. Các bạn sinh viên có thể dự lớp vào ban đêm cũng như ban ngay, rồi bạn cũng có thể đi học bán thời gian hay toàn thời gian gì tùy ý.

5. Ði học đại học cộng đồng thì khó mà kiếm được tiền tài trợ học hành (financial aid)?
Cho dù học phí tại các trường đại học cộng đồng luôn luôn thấp hơn so vơi các trường đại học hệ bốn năm, tiền fiancial aid lúc nào cũng có sẵn. Tỷ dụ, tiền Federal Pell Grant từ liên bang được cấp không hạn chế cho bất cứ sinh viên nào theo học tại các trường đại học mà phẩm chất giảng huấn đã được công nhận, dù đó là đại học hai năm hay đại học bốn năm. Ngay cả khi theo học bán thời gian tại một đại học cộng đồng, bạn cũng còn có thể lãnh tiền tài trợ học hành nữa, chỉ có nó không được nhiều bằng khi bạn đi học toàn thời gian mà thôi.

6. Chuyển trường từ đại học cộng đồng lên đại học hệ bốn năm coi bộ khó?
Không có gì khó hết khi sinh viên đại học cộng đồng thường xuyên tham khảo ý kiến của vị cố vấn học vụ trong trường để có thể đi đúng hướng (stay on track). Ðiều cần thiết là bạn phải bảo đảm việc lấy đúng các lớp học (tức học khóa, course) có khả năng chuẩn bị cho môn ngành chính của bạn tại một trường đại học hệ bốn năm. Vả lại, một trong các sứ mệnh của trường đại học cộng đồng là giúp đỡ và chuẩn bị cho sinh viên từ hệ đại học hai năm chuyển trường một cách êm thắm lên hệ đại học bốn năm.

7. Các đại học bốn năm đâu có chấp nhận các tín chỉ của đại học cộng đồng?
Luôn có thỏa thuận chấp nhận tín chỉ từ một trường đại học cộng đồng chuyển qua một đại học hệ bốn năm ở địa phương. Hơn nữa, các trường này thường liệt kê, trên giấy trắng mực đen, học khóa (course) nào tại đại học cộng đồng có giá trị tương đương với học khóa nào tại đại học bốn năm. Nếu các bạn sinh viên biết tính toán kỹ lưỡng một chút thì coi như tất cả các tín chỉ của mình từ đại học cộng đồng sẽ được chuyển lên đại học bốn năm êm xuôi.

8. Sau khi học đại học cộng đồng ra, sợ e khó theo nổi đại học bốn năm, hay nói cách khác là học đại học cộng đồng thì sinh viên sẽ “dở” đi?
Các cuộc nghiên cứu cho thấy các sinh viên từ đại học cộng đồng chuyển lên đại học hệ bốn năm đạt điểm số trung bình tương đương, nếu không là khá hơn, các sinh viên khởi sự việc học tại các trường đại học thuần túy bốn năm. Dĩ nhiên là một số sinh viên đại học cộng đồng vẫn phải trải qua “cú sốc chuyển trường” vì “lạ nước lạ cái,” thường được phản ảnh qua tình trạng bị tụt mất khoảng 1/2 điểm GPA trong học kỳ đầu tiên tại một đại học bốn năm. Cái này đâu phải là chuyện lạ, và sau đó thì cũng chưa biết ai sẽ hơn ai! Ðó là chưa nói tới chuyện tại các đại học bốn năm không thiếu gì chuyên viên dạy kèm dành cho các sinh viên nào còn cần tới họ.

9. Sinh viên đại học cộng đồng ưa bỏ cuộc nửa chừng?
Có thể là mọi người từng nghe rằng từ 40 đến 50 phần trăm sinh viên các trường đại học cộng đồng bỏ học nửa chừng trong vòng một năm sau khi họ bắt đầu đi học. Tuy thế, nguồn truy cứu này không đúng ở chỗ nó không tính đến số sinh viên rời trường này để qua trường khác vì lý do này hay lý do nọ. Vả lại, dù học ở trường loại nào thì cũng vẫn có những sinh viên phá ngang tùy hoàn cảnh của từng sinh viên.

10. Trường đại học cộng đồng nào cũng chỉ có vậy thôi?
Trên toàn cõi liên bang Hoa Kỳ, hiện có hơn 1,200 trường đại học cộng đồng khác nhau. Các trường này khác biệt nhau về kích cỡ, về số học khóa (lớp) được giảng dạy, về các dịch vụ yểm trợ sinh viên, về đời sống trong khuôn viên đại học, về cơ chế quản trị sinh viên, và về ban giảng huấn.


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét